Cơ chế chính sách đúng hướng, xây dựng niềm tin đối với cổ đông
10/3/2014 2:08:25 PM
Chỉ mới thực sự sôi động vài năm trở lại đây nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang là sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Phát hành cổ phiếu ra công chúng, chuẩn bị các bước cần thiết để lên sàn, đó là xu hướng hiện nay của rất nhiều công ty cổ phần.

 

Ngày 19-11-2007 là một dấu mốc quan trọng đối với cán bộ, công nhân Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 492 - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4. Từ một doanh nghiệp "thường thường bậc trung" ở Nghệ An, 492 trở thành Công ty được đông đảo giới đầu tư trong cả nước biết đến với mã cổ phiếu C92 niêm yết trên sàn chứng khoán Hà nội. Ngoạn mục hơn 1,2 triệu cổ phiếu của C92 ngày đầu niêm yết đã được giao dịch với mức giá trên 80 ngàn đồng một cổ phiếu. Như vậy, với mệnh giá phát hành là 10 nghìn đồng, giá trị cổ phiếu đã tăng gấp 8 lần. Theo ông Đoàn Quang Thước- Giám đốc Công ty CPXDCTGT 492 thì rất nhiều cổ đông của 492 đã được hưởng một khoản lợi nhuận lớn. Nhiều người đã mua đươc nhà đất, xe ô tô cũng nhờ vào cổ phiếu. Hiện tại, xu hướng phát hành cổ phiếu ra công chúng tiến tới niêm yết trên sàn chứng khoán đang là một kênh huy động vốn có hiệu quả của các công ty cổ phần. Khá nhiều doanh nghiệp tiến hành bán đấu giá cổ phần một cách rộng rãi, từ đó thu lại một khoản thặng dư vốn đáng kể, đáp ứng cho nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, ngoài việc thương hiệu được quảng bá rộng rãi, còn là cơ hội để doanh nghiệp có thể phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ. Khi niêm yết trên sàn tập trung thì tính thanh khoản của cổ phiếu tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, theo ông Đặng Thái Nguyên, GĐ Cty CP Chứng khoán Việt thì để được niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán, các công ty cổ phần cũng cần đáp ứng những tiêu chí khá nghiêm ngặt từ UB Chứng khoán nhà nước. Trước tiên đó là vốn điều lệ phải có từ 10 tỷ trở lên với sàn Hà Nội, 80 tỷ trở lên với sàn TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp muốn được niêm yết nhất thiết phải có kết quả kinh doanh có lãi ít nhất 1 năm trước đó và một điều quan trọng là các số liệu cáo bạch tài chính phải được 1 trong 12 công ty kiểm toán có uy tín được UBCKNN công nhận thì mới được xem là cáo bạch tài chính có hiệu lực. Đây là một điều kiện khó vì hiện nay không ít doanh nghiệp thường thuê những công ty kiểm toán tư nhân. Vì vậy số liệu công bố chưa đủ độ tin cậy cao đối với cổ đông.

Hiện tại cả nước mới chỉ có 250 doanh nghiệp chính thức niêm yết trên cả 2 sàn Hà Nội và Thành phố HCM. Ở Nghệ An, sau thắng lợi đầu tiên của Công ty cổ phần 492, hàng loạt tên tuổi khác như: Xi măng Hoàng Mai, Công ty cổ phần xây dựng dầu khí, Công ty cổ phần xây lắp An Phú, Công ty cổ phần 482, Công ty cổ phần Sa Ra.....cũng đang xây dựng lộ trình để bước lên sàn chứng khoán trong năm 2008. Đây sẽ là một cơ hội để bản thân các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh, đồng thời cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư trên địa bàn Nghệ An 

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận việc tham gia thị trường chứng khoán không chỉ hoàn toàn thuận lợi mà còn rất nhiều thách thức đối với doanh nghiệp. Trước tiên, đó là kỳ vọng của đông đảo các nhà đầu tư vào cổ phiếu của mỗi công ty niêm yết. Thương hiệu và uy tín của các công ty phụ thuộc khá nhiều vào giá cổ phiếu luôn biến động trên thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp niêm yết thường xuyên chịu sự giám sát của cổ đông, của UB chứng khoán Nhà nước, mọi hoạt động, thông tin tài chính phải minh bạch, rõ ràng. Và đặc biệt một trong những thách thức lớn nhất đối với các công ty cổ phần tham gia thị trường chứng khoán, đó là việc quản lý, động viên cán bộ công nhân viên của bản thân các công ty phát huy tinh thần trách nhiệm, gắn bó quyền lợi với tư cách là những cổ đông sáng lập. Làm thế nào để họ không bán hết số cổ phiếu của mình, kể cả khi giá cổ phiếu trên thị trường tăng cao. Và đặc biệt là một số Giám đốc công ty cổ phần còn lo ngại khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, tâm trí của người lao động chỉ lo tham gia mua bán trên sàn để kiếm lãi, ít tập trung vào công việc dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý.... Vấn đề ở đây là vai trò và trách nhiệm của HĐQT, Ban Giám đốc điều hành phải có những cơ chế chính sách đúng hướng, xây dựng niềm tin cho các cổ đông về tương lai sản xuất kinh doanh của đơn vị mình sau khi niêm yết. Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin. Khi các công ty sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chiến lược phát triển rõ ràng, đúng hướng thì nhà đầu tư và kể cả những cổ đông sáng lập sẽ tin tưởng gắn bó với doanh nghiệp. Từ đó, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp sẽ được nâng lên, doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển. Khá nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An đang nắm bắt cơ hội này để hội nhập với nền kinh tế chung của đất nước.
Trần Ngọc - Đài PTTH Nghệ An
Số lượt đọc: 2360 - Cập nhật lần cuối: 27/05/08 04:55:5

TIN BÀI KHÁC:

Nối cầu Nguyễn Tri Phương với đại lộ hiện đại nhất TP HCMThông xe hầm Cổ Mã, động thổ hầm Cù MôngNâng cấp Cảng Hàng không Vinh: Khí thế "về đích"Công ty CP 492 - 20 năm xây dựng và phát triểnCông ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 492: Hướng tới phát triển bền vững
Huân chương - Giải thưởng

Dự án tiêu biểu